Xin chào mọi người! Lại là DaoNM2 đây! Tiếp tục với series về Architecture pattern hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn một kiến trúc khá mới so với các mẫu kiến trúc hiện tại đó là Clean Swift (VIP). Trước đây mình đã có cơ hội tiếp cận với kiến trúc này, khi tham gia vào việc xây dựng một ứng dụng rất lớn cho một công ti rất nổi tiếng về ô tô xe máy ở Việt Nam. Khi đó mình cũng đã tích luỹ được một số kinh nghiệm về kiến trúc này, vì vậy mình muốn chia sẻ với các bạn một số thông tin cũng như kinh nghiệm mà mình đã tích luỹ được khi làm việc với mẫu kiến trúc này.
Đầu tiên nếu bạn là người mới hoặc bạn mới tìm hiều về các mẫu kiến trúc trong lập trình bao giờ đây là bài đầu tiên bạn đọc, thì để có thể hiểu kiến trúc này tốt hơn thì bạn có thể tham khảo các bài viết về các mẫu thiết kế trước khi tiếp tục ở link dưới đây:
- Architecture Pattern: VIPER trong iOS
- Architecture Pattern: MVVM trong iOS
- MVP Architecture Pattern và biến thể MVP-C
- iOS Architecture Patterns: Cocoa MVC
Bối cảnh hình thành
Clean swift lần đầu tiên được giới thiệu bởi Raymond Law trên website clean-swift.com của anh ấy. Ý tưởng hình thành mẫu kiến trúc này là do anh ấy đã quá chán với các vấn đề của MVC(một mẫu kiến trúc mà Apple khuyên dùng) vì vậy anh ấy đã nghĩ ra Clean Swift để giải quyết các vấn đề mà các mẫu kiến trúc trước đây chưa làm được. Clean Swift được Raymond Law xây dựng dựa trên Clean Architecture của Uncle Bob.
Clean Swift là gì?
Clean Swift là một mẫu kiến trúc xây dựng dựa trên Clean Architecture của Uncle Bob để áp dụng cho việc xây dựng các ứng dụng iOS và MacOS.
Trong Clean Swift Architecture pattern thì tất cả logic của ứng dụng sẽ được chia đều ra 3 thành phần chính của nó là View controller, Interactor và Presenter. Mỗi phần sẽ đảm nhiệm một số logic cụ thể, và chúng liên lạc với nhau bằng các liên kết 1 chiều, vì vậy source code của bạn sẽ luôn luôn đi theo một chiều chứ không đa chiều như các architecture pattern khác.
Khi ứng dụng Clean Swift vào trong dự án của bạn, nó sẽ được cấu trúc theo từng màn hình của ứng dụng(scenes).
Các thành phần của Clean Swift
Mẫu kiến trúc Clean Swift được cấu tạo bởi các phần như sau:
- View
- View Controller
- Router
- Presenter
- Interactor
- Worker(optional)
- Model(optional)
Clean Swift gồm 3 phần chính là ViewController, Presenter và Interactor. 3 phần này có liên kết 1 chiều và tạo thành 1 vòng tròn. Khi View controller nhận được request nó sẽ gọi sang Interactor để nó xử lí logic, khi xong logic Interactor sẽ gửi dữ liệu sang bên Presenter để nó thực hiện format lại dữ liệu rồi trả về cho ViewController làm nhiệm vụ update lên View cho người dùng. Các thành phần này sẽ được kết nối với nhau bằng protocol.
View
Là các thành phần nằm trong UIKit hoặc bất kể thứ gì liên quan tới UI ví dụ như: storyboard, xib, UIView, UIControl …
View Controller
Định nghĩa các màn hình(scenes), nó có thể chứa 1 hoặc nhiều View
Nó sẽ giữ các instances của Interactor và Router
Là nơi nhận các tương tác của người dùng và gọi đến Interactor hoặc Router để xử lý, nó cũng nhận output của Presenter làm input và truyền nó lên view để hiển thị cho người dùng.
Interactor
Chứa các business logic của màn hình
Giữ instance của Presenter và các Workers(nếu có)
Nhận thông tin input từ ViewController và xử lý hoặc yêu cầu Worker làm việc để truyền kết quả sang cho Presenter
Interactor sẽ không được import UIKit để đảm bảo source không có liên kết trực tiếp với View
Presenter
Giữ một tham chiếu yếu đến View Controller để truyền dữ liệu sang View Controller
Là nơi xử lý logic hiển thị, khi nhận được input từ Interactor nó sẽ thực hiện format lại dữ liệu và truyền sang cho ViewController để nó hiển thị thông tin cho người dùng.
Worker
Là nơi được coi là trung tâm dữ liệu, nó sẽ thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới việc lấy dữ liệu từ API hoặc LocalDB
Là thành phần phụ nên ở các màn hình đơn giản không có tương tác với dữ liệu chúng ta có thể bỏ qua worker
Router
Nó giữ một tham chiếu yếu tới View Controller, nhằm mục đích tránh việc tham chiếu lẫn nhau(retain cycles) dẫn đến không thể release các đối tượng này khi nó không còn được sử dụng -> Lack memory.
Router sinh ra để giảm tải công việc cho View Controller nó sẽ làm nhiệm vụ điều hướng trong ứng dụng.
Model
Nó là nơi định nghĩa các đối tượng cho ứng dụng, nó chỉ làm nhiệm vụ định nghĩa các đối tượng và không có xử lí logic hay liên kết trực tiếp với các thành phần khác của kiến trúc.
Các đối tượng trong model sẽ được khai báo theo value type(struct, enum)
Tương tự như Worker, một số màn hình đơn giản không tương tác với dữ liệu sẽ không cần đến Model
Ưu điểm
- Dễ maintain, fixbugs vì liên kết 1 chiều giữa các thành phần
- Hỗ trợ viết Unit test một cách dễ dàng
- Viết các phương thức ngắn hơn với trách nhiệm duy nhất
- Tách được business logic sang cho Interactor xử lí
- Có thể tái sử dụng các Workers và Services
- Có thể áp dụng được cho các dự án lớn để giảm tình trạng conflict khi merge source.
Nhược điểm
- Quá nhiều các protocol với các nhiệm vụ riêng biệt, làm cho việc đặt tên trở nên khó khăn và không cẩn thận sẽ gây khó hiểu cho người đọc
- Kích thước ứng dụng lớn do chứa nhiều protocol và nhiều file
- Cần thời gian để cho các thành viên dự án có thể hiểu và tuân theo
Tổng kết
Clean swift là một mẫu kiến trúc không phổ biến như các mẫu khác, tuy nhiên ưu điểm của nó mang lại là rất lớn. Để vận hành các dự án lớn có yêu cầu viết Unitest chúng ta có thể coi Clean Swift là một trong những ứng cử viên sáng giá. Mình hi vọng bài viết có thể giúp các bạn có thêm kiến thức về mẫu kiến trúc Clean Swift và giúp các bạn có thể chọn được mẫu kiến trúc ưng ý cho những dự án sắp tới.
Nếu các bạn muốn biết thêm nhiều thông tin hơn về Clean Swift Architecture Pattern thì các bạn có thể tham khảo tại link sau: Clean Swift