Mô hình Agile
Có rất nhiều mô hình có thể áp dụng trong quá trình phát triển phần mềm, tuy nhiên Agile là một trong những mô hình đang được ứng dụng rất nhiều và phổ biến trong các công ty.
1. Mô hình Agile là gì?
Agile là một phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt để làm sao đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt.
Tuyên ngôn Agile:
Tuyên ngôn Agile hay còn gọi là Tuyên ngôn phát triển phần mềm linh hoạt, đánh giá cao:
- Cá nhân và sự tương tác hơn là quy trình và công cụ.
- Phần mềm chạy tốt hơn là tài liệu đầy đủ.
- Cộng tác với khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng.
- Phản hồi với các thay đổi hơn là bám sát kế hoạch.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển còn nhấn mạnh hơn mười hai nguyên lý phía sau Tuyên ngôn Agile, để giúp các nhà phát triển vận dụng trong thực tiễn:
- Ưu tiên cao nhất của chúng tôi là thỏa mãn khách hàng thông qua việc chuyển giao sớm và liên tục các phần mềm có giá trị.
- Chào đón việc thay đổi yêu cầu, thậm chí rất muộn trong quá trình phát triển. Các quy trình linh hoạt tận dụng sự thay đổi cho các lợi thế cạnh tranh của khách hàng.
- Thường xuyên chuyển giao phần mềm chạy tốt tới khách hàng. Từ vài tuần đến vài tháng, ưu tiên cho các khoảng thời gian ngắn hơn.
- Nhà kinh doanh và nhà phát triển phải làm việc cùng nhau hàng ngày trong suốt dự án.
- Xây dựng các dự án xung quanh những cá nhân có động lực. Cung cấp cho họ môi trường và sự hỗ trợ cần thiết, và tin tưởng họ để hoàn thành công việc.
- Phương pháp hiệu quả nhất để truyền đạt thông tin tới nhóm phát triển và trong nội bộ nhóm phát triển là hội thoại trực tiếp.
- Phần mềm chạy tốt là thước đo chính của tiến độ.
- Các quy trình linh hoạt thúc đẩy phát triển bền vững. Các nhà tài trợ, nhà phát triển, và người dùng có thể duy trì một nhịp độ liên tục không giới hạn.
- Liên tục quan tâm đến các kĩ thuật và thiết kế tốt để gia tăng sự linh hoạt.
- Sự đơn giản – nghệ thuật tối đa hóa lượng công việc chưa xong – là căn bản.
- Các kiến trúc tốt nhất, yêu cầu tốt nhất, và thiết kế tốt nhất sẽ được làm ra bởi các nhóm tự tổ chức.
- Đội sản xuất sẽ thường xuyên suy nghĩ về việc làm sao để trở nên hiệu quả hơn. Sau đó họ sẽ điều chỉnh và thay đổi các hành vi của mình cho phù hợp.
Có thể thấy mô hình Agile đặt khách hàng làm chủ đạo và tích cực trao đổi để tìm kiếm được sự hoàn thiện cho phần mềm.
2. Đặc trưng của mô hình Agile
Tính lặp
Dự án sẽ được thực hiện trong các phân đoạn lặp đi lặp lại. Các phân đoạn (được gọi là Iteration hoặc Sprint) này thường có khung thời gian ngắn (từ 1 – 4 tuần).
Trong mỗi phân đoạn này, nhóm phát triển thực hiện đầy đủ các công việc cần thiết như lập kế hoạch, phân tích yêu cầu, thiết kế, triển khai, kiểm thử (với các mức độ khác nhau) để cho ra các phần nhỏ của sản phẩm.
Phân rã mục tiêu thành các phần nhỏ với quá trình lập kế hoạch đơn giản và gọn nhẹ nhất có thể
Tính tăng trưởng và tiến hóa
Cuối các phân đoạn (Sprint) nhóm phát triển thường cho ra các sản phẩm đầy đủ, có khả năng chạy tốt và được kiểm thử cẩn thận có thể sử dụng ngay.
Đưa đến cho khách hàng góc nhìn chi tiết về tiến độ sản phẩm, từ đó có được sự tin tưởng từ khách hàng và có những thay đổi ngay lập tức với những yêu cầu của khách hàng.
Tính thích nghi
Các thay đổi trong quá trình phát triển có thể được đáp ứng một cách phù hợp, bởi vì các quy trình đã được phân chia rất rõ ràng và chi tiết.
Nhóm tự tổ chức và liên chức năng
Các nhóm này tự phân công công việc mà không dựa trên mô tả cứng về chức danh hay làm việc trên một phân cấp rõ ràng của tổ chức.
Quản lý tiến trình thực nghiệm
Các nhóm Agile đưa ra các quyết định dựa trên các dữ liệu thực tiễn thay vì lý thuyết hoặc các giả định. Từ đó giúp giảm quá trình phát triển và nâng cao năng suất lao động
Giao tiếp trực diện
Agile khuyến khích việc giao tiếp trực tiếp giữa nhóm phát triển với khách hàng, giữa các thành viên trong nhóm phát triển. Từ đó cùng nhau phát triển các chức năng một cách hiệu quả nhất
Phát triển dựa trên giá trị
Ưu tiên việc chạy tốt của sản phẩm, giao tiếp với khách hàng để biết yêu cầu nào được ưu tiên cao hơn, mang lại giá trị sớm nhất cho dự án.
3. Ưu điểm của mô hình Agile
- Thực hiện thay đổi dễ dàng: Bởi vì dự án được chia thành các phần nhỏ, riêng biệt, không phụ thuộc lẫn nhau, nên những thay đổi được thực hiện rất dễ dàng, ở bất kỳ giai đoạn nào của dự án.
- Không cần phải nắm mọi thông tin ngay từ đầu: Phù hợp với những dự án chưa xác định được mục tiêu cuối cùng rõ ràng, vì việc này không quá cần thiết trong giai đoạn đầu.
- Bàn giao nhanh hơn: Việc chia nhỏ dự án cho phép đội ngũ có thể tiến hành kiểm tra theo từng phần, xác định và sửa chữa vấn đề nhanh hơn, nhờ đó việc bàn giao công việc sẽ nhất quán và thành công hơn.
- Chú ý đến phản hồi của khách hàng và người dùng: Cả khách hàng và người dùng cuối đều có cơ hội để đóng góp các ý kiến và phản hồi, từ đó họ sẽ có ảnh hưởng một cách mạnh mẽ và tích cực tới sản phẩm cuối cùng.
- Cải tiến liên tục: Agile khuyến khích thành viên trong đội ngũ làm việc và khách hàng cung cấp phản hồi của mình, khi đó các giai đoạn khác nhau của sản phẩm cuối có thể được kiểm tra và cải thiện lại nhiều lần nếu cần.
4. Nhược điểm của mô hình Agile
- Khó lên kế hoạch dự án: Khá là khó để xác định rõ ràng thời gian bàn giao sản phẩm cuối cùng, vì dự án được chia nhỏ thành các phần khác nhau và mỗi phần lại có thời gian bàn giao riêng biệt.
- Bắt buộc phải hướng dẫn và đào tạo chi tiết: Phương pháp Agile phức tạp hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Họ sẽ cần phải trải qua đào tạo, hướng dẫn thì mới có thể nắm được phương pháp một cách rõ ràng, đặc biệt là thời gian đầu.
- Ít tài liệu hướng dẫn: Vì Agile thay đổi rất nhiều nên các tài liệu thích hợp cũng thường bị bỏ qua, vì không xác định rõ được kỳ vọng và thành phẩm ngay từ đầu. Mặc dù tài liệu không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng chúng vẫn rất cần thiết.
- Bắt buộc phải hợp tác để dự án thành công: Điều này đòi hỏi một sự cam kết về thời gian từ cả hai bên trong suốt thời gian của dự án mà các cấu trúc quản lý dự án khác không luôn yêu cầu. Phải có sự tham gia tích cực của người dùng và tiếp tục cộng tác để nó hoạt động.
- Chi phí cao: Chi phí thực hiện theo phương pháp Agile thường hơn một chút so với các phương pháp phát triển khác.
5. Áp dụng
Để áp dụng thành công mô hình Agile trong tổ chức, chúng ta cần:
- Thứ nhất, các thành viên phối hợp, giao tiếp hiệu quả trong nội bộ. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp nhóm làm việc thấu hiểu khách hàng, hợp tác tốt với nhau đảm bảo chất lượng và tốc độ.
- Thứ hai, tính tự chủ của mỗi thành viên phải được đảm bảo để các nhóm tự quản lý có thể vận hành một cách chủ động, trơn tru thay vì chỉ tuân thủ theo chỉ dẫn cấp trên như trong các mô hình truyền thống.
- Thứ ba, các hoạt động được module hóa thông qua những nhóm liên chức năng. Những nhóm này có khả năng làm việc với tốc độ và chất lượng cao, với khách hàng là trung tâm
Tham khảo:
Author: LamNT59