Architecture Pattern: VIPER trong iOS

by DaoNM2
601 views

Xin chào các bạn, lại là DaoNM2 đây! Để tiếp tục series về Architecture patterns thì hôm nay mình xin giới thiệu cho các bạn một mẫu kiến trúc được sử dụng khá nhiều khi phát triển các ứng dụng di động đó là VIPER.

VIPER là gì?

VIPER là một mẫu kiến trúc để phát triền phần mềm, nó được sử dụng khá nhiều khi xây dựng các ứng dụng di động trên ngôn ngữ lập trình Swift. Nó được xây dựng dựa trên Clean Design Architecture. Các Modules trong VIPER được định hướng theo Protocol và mỗi chức năng, các thuộc tính input và output được thực hiện bằng các bộ quy tắc giao tiếp cụ thể.

Các thành phần chính của VIPER architecture pattern

VIPER là viết tắt của các chứ cái đầu trong các thành phần của nó, nó bao gồm View, Interactor, Presenter, Entity và Router. Các thành phần này sẽ tương tác với nhau như sơ đồ dưới đây:

View

Bao gồm các thành phần trong UIKit và ViewController, nó là nơi để hiển thị nội dung cho người dùng và nhận các tương tác từ người dùng sau đó gửi cho presenter để xử lí tiếp logic hiển thị. Trong mẫu kiến trúc này Presenter là tầng duy nhất có liên kết với View.

Interactor

Là nơi xử lý business logic của ứng dụng, nó sẽ thao tác với Entity, model, API fetcher và datastore. Khi nhận được request từ Presenter lúc này Interactor sẽ thực hiện logic để lấy dữ liệu tương ứng và trả về cho presenter.

Trong VIPER mỗi một Interactor sẽ tương ứng với một Use case, nó tách biệt hoàn toàn với View vì vậy khả năng kiểm thử độc lập trên Interactor khá dễ dàng.

Presenter

Là nơi xử lý logic hiển thị của ứng dụng, khi nhận được request thay đổi hoặc hiển thị thông tin từ View nó sẽ thực hiện logic tương ứng để yêu cầu Interactor trả về data. Sau khi nhận được data nó sẽ format lại dữ liệu và trả về cho View để hiển thị chúng lên màn hình. Khi nhận được yêu cầu di chuyển màn hình Presenter sẽ thực hiện call Router để nó làm nốt nhiệm vụ điều hướng

Entity

Đây là các Data model, nó có nhiệm vụ tương tác với Interactor để trả dữ liệu về cho Presenter.

Router

Là nơi xử lí luồng của ứng dụng, nó làm nhiệm vụ điều hướng ứng dụng đến nơi mà người dùng cần. Khi Presenter nhận yêu cầu chuyển màn hình từ View, nó sẽ thực hiện logic hiển thị và thực hiện tương tác với Router để xử lí di chuyển luồng đúng với yêu cầu của View.

Ưu điểm

VIPER được chia nhỏ thành nhiều phần, các phần đảm nhiệm các vai trò và nhiệm vụ cố định, các thành phần tương tác với nhau dựa trên các quy định cụ thể vì vậy nó có khá nhiều ưu điểm

  • Các nhiệm vụ được chia đều ra cho các thành phần vì vậy việc maintain không còn quá rắc rối.
  • Việc kiểm thử (Unit test) cũng trở nên dễ dàng hơn vì giờ đây các thành phần đã được chia nhỏ và không liên kết chặt chẽ với View
  • Cấu trúc source trở nên dễ hiểu và rõ ràng hơn vì nó được chia theo từng use case và các phần được chia nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng
  • Không gặp phải trường hợp một file có nội dung quá dài, vì vậy việc đọc source code của người cũng trở nên dễ hiểu hơn
  • Khá là hữu dụng với các ứng dụng lớn với team size lớn
  • Dễ dàng để mở rộng và bảo trì, các developer có thể đồng thời làm việc trên nó một cách trơn tru
  • Giảm số lượng conflict khi merge source code

Nhược điểm

  • Do có nhiều thành phần và tương tác với nhau nên số file quản lý sẽ nhiều hơn so với các mẫu kiến trúc khác
  • Không dễ sử dụng cho người mới vì có nhiều ràng buộc và quy tắc cho từng phần, vì vậy cần thời gian để các member có thể tìm hiểu và thích nghi với mẫu kiến trúc này.
  • Một số thư viện bên thứ 3 không hỗ trợ kiến trúc này, vì vậy nếu không có lựa chọn nào khác lúc này nếu áp dụng thư viện vào ứng dụng nó sẽ phá vỡ kiến trúc ở các tính năng mà sử dụng thư viện này.

Tổng kết

Như mình đã phân tích ở trên VIPER có rất nhiều ưu điểm vì vậy nó rất đáng để các bạn tìm hiểu và sử dụng cho các dự án sắp tới. Tuy nhiên theo mình thì mẫu kiến trúc VIPER chỉ nên sử dụng cho những ứng dụng có kích thước vừa và lớn thì nó mới phát huy được tối đa sự hiệu quả. Đối với các dự án nhỏ nếu sử dụng VIPER architecture pattern thì nó lại trở nên quá cồng kềnh và không cần thiết.

Mình hi vọng bài viết mình chia sẻ sẽ giúp các bạn có thêm lựa chọn khi bắt đầu một dự án mới!

Chúc các bạn thành công!

Leave a Comment

* By using this form you agree with the storage and handling of your data by this website.

You may also like